Hotline hỗ trợ

0243.6763239

Dạy nghề 45 năm phát triển

Dạy nghề Việt Nam có lịch sử phát triển lâu đời, gắn liền với sự xuất hiện, tồn tại của nền văn minh lúa nước và các làng nghề truyền thống.

Dạy nghề Việt Nam có lịch sử phát triển lâu đời, gắn liền với sự xuất hiện, tồn tại của nền văn minh lúa nước và các làng nghề truyền thống. Người Việt cổ xưa truyền nghề cho các thế hệ nối tiếp để sản xuất, duy trì cuộc sống; đó là các hình thức truyền nghề dưới dạng bắt chước tự nhiên thời tiền sử đến bắt chước có ý thức và truyền nghề theo phường, hội.

 

                                              

 

Cuối thế kỷ 19 đã hình thành tổ chức đào tạo chính quy tại một số trường dạy nghề như trường kỹ nghệ thực hành tại Hà Nội (1898), trường kỹ nghệ thực hành Huế (1889) và trường Bá nghệ Sài Gòn (1889)... Đầu thế kỷ 20 những cơ sở dạy nghề đầu tiên được thành lập với nhiều loại hình khác nhau như: lớp dạy nghề tại xí nghiệp, trường nghề… Thời kỳ này số lượng học sinh rất ít, chỉ đủ cung cấp cho những ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp khai thác tài nguyên, nhằm đem lại lợi nhuận cho thực dân Pháp.

Từ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 và trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, mặc dù chưa có điều kiện phát triển, nhưng dạy nghề đã kịp thời đào tạo đội ngũ công nhân, cán bộ quốc phòng, y tế, nông nghiệp, sư phạm… theo hình thức trường lớp nhỏ, ngắn hạn, phân tán trong chiến khu, vùng tự do, vừa làm vừa học, coi trọng thực hành, gắn với thực tiễn, phù hợp với hoàn cảnh “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 đến năm 1975, đất nước tạm chia làm hai miền. Ở miền Bắc ngành dạy nghề đã vươn lên nhanh chóng và có sự hỗ trợ có hiệu quả của các nước xã hội chủ nghĩa đã đáp ứng cả hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và thống nhất đất nước. Ở miền Nam với yêu cầu du nhập và đầu tư tư bản vào các xí nghiệp ở các thành phố, các khu công nghiệp như Biên Hòa, Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định… đòi hỏi một lực lượng lớn lao động kỹ thuật phục vụ cho bộ máy chiến tranh của Mỹ va Ngụy quyền Sài Gòn.  Do yêu cầu phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhiệm vụ xây dựng miền Bắc và giải phóng miền Nam, ngày 09/10/1969 Chính phủ ban hành Nghị định số 200/CP về việc thành lập Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật trực thuộc Bộ Lao động. Đây là mốc lịch sử đánh dấu sự hình thành, phát triển lớn mạnh của ngành dạy nghề.

Từ năm 1955 đến nay ngành dạy nghề trải qua nhiều giai đoạn phát triển:

- Giai đoạn từ  năm 1955 - 1969: Ngày 18/5/1955 Chính phủ ban hành Nghị định số 532/TTg về việc thành lập Vụ Quản lý nhân công trực thuộc Bộ Lao động. Giai đoạn này có 30 trường, quy mô đào tạo là 14.000 học sinh/năm.

- Giai đoạn từ năm 1969 - 1978: Ngày 09/10/1969 Chính phủ ban hành Nghị định số 200/CP về việc thành lập Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật trực thuộc Bộ Lao động. Giai đoạn này có 159 trường, quy mô đào tạo là 48.000 học sinh/năm.

Với định hướng “Nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng đội ngũ công nhân kỹ thuật là một nhiệm vụ cách mạng trọng yếu” (Nghị định 42/CP của Chính phủ) dạy nghề giai đoạn này đã được quan tâm và phát triển mạnh góp phần quan trọng đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng đất nước. Tuy nhiên dạy nghề giai đoạn này vẫn chịu ảnh hưởng, chi phối của nền kinh tế với cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp.

- Giai đoạn từ năm 1978 - 1987: Ngày 24/6/1978 Chính phủ ban hành Nghị định số 151/NĐ-CP quyết định tách Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật khỏi Bộ Lao động và đổi tên là Tổng cục Dạy nghề trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng.

Giai đoạn này, ngành dạy nghề phát triển mạnh mẽ, đa dạng (có 366 trường dạy nghề, 212 trung tâm dạy nghề, toàn ngành có 9.833 giáo viên và quy mô đào tạo ở giai đoạn này trung bình là 176.000 học sinh/năm). Kết quả nổi bật là hình thành hệ thống trung tâm dạy nghề ở các quận, huyện, thị xã để đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động theo phương châm “Nhà nước, tập thể và người dân cùng chăm lo sự nghiệp dạy nghề”. Ngành dạy nghề là ngành đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân thực hiện xã hội hóa, phá thế bao cấp trong đào tạo. Quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dạy nghề mở rộng: Việt Nam tham gia và đăng cai tổ chức Hội nghị những người đứng đầu ngành dạy nghề các nước xã hội chủ nghĩa; đã đưa khoảng 80.000 thanh niên và người lao động đi học nghề, thực tập nâng cao tay nghề tại Liên Xô (cũ), Cộng hòa Dân chủ Đức (cũ), Tiệp Khắc (cũ), Trung Quốc, Triều Tiên, Hungari, Rumani, Ba Lan và Bungari… Đội ngũ công nhân kỹ thuật sau khi học nghề có điều kiện tiếp cận với nền sản xuất tiên tiến, với tác phong công nghiệp nên có những đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

- Giai đoạn từ năm 1987 - 1998: Tháng 02/1987 Tổng cục Dạy nghề sáp nhập vào Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp thành Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề và đến ngày 31/3/1990 tiếp tục sáp nhập với Bộ Giáo dục thành Bộ Giáo dục và Đào tạo theo Quyết định số 244-NQ/HĐNN8 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thành lập Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở Bộ Giáo dục - Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề. Hệ thống dạy nghề còn 129 trường, quy mô đào tạo 55.000 học sinh/năm.

- Giai đoạn từ năm 1998 đến nay:

Trước nhu cầu phát triển Kinh tế - Xã hội và phát triển nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện Quyết định của Bộ Chính trị (tại Văn bản số 1481-CV/VPTW ngày 08/12/1997), Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 67/1998/QĐ-TTg ngày 26/3/1998 về việc chuyển giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo nghề từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; ngày 23/5/1998, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/1998/NĐ-CP về việc thành lập Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Những quyết định quan trọng trên tạo bước phát triển mới cho dạy nghề. Tháng 11/2006, Luật Dạy nghề đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, Kỳ họp thứ 10 thông qua. Cùng với Luật Dạy nghề, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về dạy nghề cũng được hình thành tương đối đồng bộ và thống nhất tạo hành lang pháp lý để điều chỉnh hoạt động dạy nghề; hình thành hệ thống dạy nghề gồm dạy nghề chính quy và dạy nghề thường xuyên với 3 trình độ đào tạo thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động; hệ thống dạy nghề đã bước đầu chuyển từ “cung” sang “cầu”, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học nghề của người lao động. Mạng lưới cơ sở dạy nghề ngày càng mở rộng (đến tháng 5/2014, cả nước có 165 trường cao đẳng nghề, 301 trường trung cấp nghề, 874 trung tâm dạy nghề và các cơ sở dạy nghề khác tại doanh nghiệp và tại các cơ sở giáo dục khác). Dạy nghề đã từng bước phát triển theo hướng hiện đại hóa, chuẩn hóa và xã hội hóa, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động.

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, ngành dạy nghề đã có những đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc: Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 13,4% năm 1998 được nâng lên 34,9% năm 2013. Các điều kiện đảm bảo chất lượng được nâng lên một bước, nhiều cơ sở dạy nghề đã phát triển nhanh chóng, có trường đã được Nhà nước tuyên dương là đơn vị anh hùng. Các thế hệ cán bộ, giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên đã phát huy truyền thống, tiếp bước cha anh viết lên những trang sử vàng cho sự nghiệp dạy nghề trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong toàn ngành đã được đẩy mạnh; các hoạt động như Kỳ thi tay nghề các cấp, hội giảng giáo viên dạy nghề, hội thi thiết bị dạy nghề tự làm… đã trở thành hoạt động thường xuyên từ cơ sở dạy nghề đến toàn quốc và mang lại hiệu quả thiết thực: hàng ngàn giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, thành phố và toàn quốc; hàng trăm giáo viên là giáo viên tiêu biểu; nhiều cán bộ, giáo viên đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, nhiều người đã trở thành  cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, những chuyên gia kỹ thuật, công nghệ đầu đàn, những công nhân lành nghề bậc cao; nhiều học sinh đã đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi nghề cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế; hàng triệu lao động qua đào tạo nghề đã và đang làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp; trên các công trường, đồng ruộng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bước vào giai đoạn tới, ngành dạy nghề đang đứng trước những cơ hội phát triển mới với nhiệm vụ lớn lao nhưng cũng đầy thách thức để góp phần đưa nước ta chuyển dịch từ một nước nông nghiệp sang một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Đào tạo nguồn nhân lực là một trong những nhân tố đóng vai trò quyết định, trong đó dạy nghề phải đảm nhận đào tạo 60-65% trong tổng số lực lượng lao động, đảm bảo đạt được mục tiêu tỷ lệ qua đào tạo nghề đạt 55% vào năm 2020.
Tiếp nối lịch sử vẻ vang 45 năm qua, toàn ngành dạy nghề đang quyết tâm thi đua, nỗ lực thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban chấp hành trung ương Đảng về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020. Chúng ta tin tưởng rằng với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội và toàn dân cùng với sự hỗ trợ, hợp tác của bạn bè quốc tế, đến năm 2020 ngành dạy nghề sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra: “đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo; chất lượng đào tạo của một số nghề đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực ASEAN và trên thế giới; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; phổ cập nghề cho người lao động, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo vững chắc, đảm bảo an sinh xã hội”./.

Viết bình luận:

VIDEO TRƯỜNG MỚI

  • Đang trực tuyến8
  • Hôm qua38
  • Hôm nay41
  • Tổng số1.940