Hotline hỗ trợ

0243.6763239

Chiến dịch chống hút thuốc lá

Từ năm 1964, bằng chứng về hệ quả của hút thuốc với sức khỏe đã được mở rộng mạnh mẽ. Danh sách hệ quả tai họa của thuốc lá đối với sức khỏe ngày càng được nối dài...

 

Từ năm 1964, bằng chứng về hệ quả của hút thuốc với sức khỏe đã được mở rộng mạnh mẽ. Danh sách hệ quả tai họa của thuốc lá đối với sức khỏe ngày càng được nối dài. 

Từ những năm 1970, nghiên cứu khoa học đã chứng minh việc hít phải khói thuốc thụ động ở người không hút thuốc liên quan mật thiết với một số bệnh cụ thể và các tác động bất lợi khác.Thậm chí trong báo cáo này, một phần 2 thế kỷ sau báo cáo đầu tiên, các bằng chứng tìm thấy được cho là đủ để kết luận có sự liên quan chặt chẽ giữa hút thuốc và hút thuốc thụ động với bệnh tật.

Nicotine và nghiện chất: Nicotine được cho là chất gây nghiện trong báo cáo của Tổng cục trưởng năm 1988 (USDHHS1988). Kết luận này một lần nữa được tái khẳng định trong các báo cáo sau đó, và việc lệ thuộc vào nicotine chủ yếu tập trung ở giai đoạn bắt đầu hút và khó khăn trong việc cai nghiện (USDHHS 2010, 2012).

Ngoài ra, nicotine là chất hoạt tính dược lý gây độc tố cấp tính và khi đi vào cơ thể thì được phân bố rộng khắp. Ngoài việc gây ra nghiện, nó còn kích hoạt đa lộ trình sinh lý liên quan tới sự tăng trưởng và phát triển của bào thai, chức năng miễn dịch, hệ tim mạch và hệ thần kinh trung ương và là chất sinh ung thư.

Phơi nhiễm Nicotine trong quá trình phát triển bào thai và cửa sổ tối quan trọng với não gây hậu quả bất lợi lâu dài cho sự phát triển của não. Phơi nhiễm nicotine trong quá trình mang thai cũng gây hậu quả bất lợi về mặt sức khỏe sinh sản như đẻ non, thai chết lưu, ...

Ung thư: Ung thư phổi, bệnh đầu tiên trong nhiều bệnh gây tử vong được xác định trong báo cáo của Tổng Cục trưởng là do hút thuốc gây ra, giờ đây là sát thủ gây ung thư nhiều nhất ở cả nam và nữ. Hai nghiên cứu do Hội Chữ thập đỏ Mỹ tiến hành là nguồn thông tin chính về nguy cơ mắc ung thư ở những người hút thuốc.

Trong nhóm phụ nữ, nguy cơ ung thư phổi tăng rất nhanh. Trong nghiên cứu năm 1959, phụ nữ hút thuốc có nguy cơ bị mắc ung thư phổi cao gấp 2,7 lần so với những người không hút thuốc; tới giai đoạn 2000–2010 nguy cơ mắc bệnh ở phụ nữ hút thuốc đã tăng lên gấp 10 lần (25,7). Với nam giới hút thuốc, nguy cơ mắc bệnh cao hơn gấp đôi, từ 12,2 lên tới 25, lần giữa nghiên cứu đầu và nghiên cứu gần nhất. Các nguy cơ này cũng gia tăng so với cùng kỳ khi tỷ lệ hút thuốc và số lượng điếu thuốc hút mỗi ngày/người giảm.

Mặc dù tỷ lệ mắc mới ung thư biểu mô ở phổi-loại ung thư phổi thường thấy nhất ở những người hút thuốc ở giai đoạn đầu của bệnh dịch ung thư phổi-giảm xuống khi tỷ lệ hút thuốc giảm, nhưng tỷ lệ mắc mới ung thư tuyến của phổi lại tăng mạnh. Bằng chứng cho thấy những thay đổi trong thành phần và thiết kế điếu thuốc bản thân nó cũng có những tác động tới nguy cơ mắc ung thư phổi cũng như sự chuyển dịch trong loại ung thư phổi xảy ra trong nhóm đoàn hệ những người hiện hút thuốc (Thun và CS. 2013 Báo cáo mới nhất của Tổng cục trưởng cũng đánh giá bằng chứng về các ung thư khác và kết luận rằng hút thuốc lá gây ung thư gan và ung thư đại trực tràng – loại ung thư phổ biến thứ tư ở Mỹ và là loại ung thư có số tử vong hàng năm lớn thứ hai. Báo cáo cũng cho thấy bằng chứng mang tính gợi mở nhưng vẫn chưa đủ để kết luận rằng hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động gây ung thư vú và rằng hút thuốc lá không phải là nguyên nhân gây ung thư tiền liệt tuyến. Báo cáo cũng cho hay hút thuốc làm tăng nguy cơ tử vong do ung thư và các bệnh khác ở bệnh nhân ung thư và người đã khỏi ung thư, trong đó có bệnh nhân ung thư vú và ung thư tiền liệt tuyến.

Các bệnh hô hấp: Trong báo cáo của Tổng cục trưởng năm 1964, hút thuốc lá được cho là nguyên nhân gây ra “bệnh viêm phế quản mạn tính”, một thuật ngữ được sử dụng thời điểm đó còn ngày nay gọi là bệnh phổi tắc nghẹn mạn tính (COPD) (Fletcher và Cs.1959). Bởi vì khói thuốc được hít vào phổi, thành phần của nó được tích tụ lại và hấp thu vào phổi, và từ lâu được cho là gây ra tác hại đối với hệ thống hô hấp, gây ra các bệnh ác tính và lành tính, làm trầm trọng hơn các bệnh phổi mạn tính và tăng gia tăng nguy cơ nhiễm trùng hô hấp. Tổng quan tài liệu khoa học cũng cho thấy rõ mối liên quan chặt chẽ tới nhiều bệnh của đường hô hấp tương tự như bằng chứng củng cố sự hợp lý về mặt sinh học đó là hút thuốc chính là nguyên nhân của mối liên quan này.

Đối với ung thư phổi, so sánh phát hiện của hai nghiên cứu do Hội Chữ thập đỏ Mỹ tiến hành với các nghiên cứu gần đây trong giai đoạn 2000–2010 cho thấy nguy cơ mắc COPD đang gia tăng, đặc biệt là ở phụ nữ. Các nghiên cứu gần đây cho thấy nguy cơ mắc COPD ở phụ nữ đã tăng mạnh, mức 22,4 so với những người chưa bao giờ hút thuốc và tương đương với nam giới.

Bệnh lao từng là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở Mỹ. Ngày nay, Lao không còn phổ biến ở Mỹ nhưng vẫn còn rất phổi biến ở nhiều nước khác trên thế giới. Bằng chứng trong thập kỷ qua là đủ để đi đến kết luận rằng hút thuốc lá làm gia tăng nguy cơ mắc lao và tử vong do bệnh lao.

Các bệnh tim mạch: Mặc dù ung thư phổi thường được coi là nguyên nhân tử vong lớn nhất do hút thuốc lá gây ra ở Mỹ nhưng thực tế bệnh tim mạch lại cướp đi mạng sống của nhiều người hút thuốc lá độ tuổi 35 trở lên hàng năm nhiều hơn so với ung thư phổi.

Phơi nhiễm trước khói thuốc thậm chí còn giết hại nhiều người do bị tim mạch hơn số người tử vong do ung thư phổi. Ngoài ra, báo cáo này cũng phát hiện rằng hút thuốc lá thụ động cũng là nguyên nhân gây đột quỵ. Theo ước tính, hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ bị đột quỵ lên 20–30%. Theo đó, bằng chứng rõ ràng cho thấy việc giảm hút thuốc lá và hút thuốc thụ động cũng góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh lý tim mạch kể từ cuối những năm 1960.

Luật và chính sách về môi trường không khói thuốc đã mang lại hiệu quả lớn khi giảm tỷ lệ mắc mới các trường hợp bị cơn đau các biến cố mạch vành khác ở những người dưới 65 tuổi, và bằng chứng cho thấy có thể có mối tương quan giữa việc thực thi các quy định và chính sách đó với giảm tỷ lệ các biến cố liên quan tới mạch máu não.

Đái tháo đường: Các báo cáo trước của Tổng Cục trưởng cho thấy hút thuốc lá làm việc điều trị đái tháo đường khó khăn hơn và những người hút thuốc bị chẩn đoán mắc đái tháo đường lại có nguy cơ mắc bệnh thận, mù lòa và tai biến tuần hoàn phải tháo bỏ chi cao hơn. Báo cáo này kết luận rằng hút thuốc lá là nguyên nhân gây đái tháo đường type 2, và những người hút thuốc có nguy cơ bị đái tháo đường cao hơn 30-40% so với những người không hút thuốc. Ngoài ra, nguy cơ bị đái tháo đường cũng tăng lên tỷ lệ thuận với số điếu thuốc lá được hút.

Rối loại miễn dịch và tự miễn dịch: Báo cáo này cho thấy hút thuốc là nguyên nhân gây tác hại tới cơ thể, bao gồm viêm nhiễm toàn thân và suy giảm chức năng miễn dịch (Chương 10). Một hệ lụy của việc sinh miễn dịch thay đổi đó là gia tăng nguy cơ viêm phổi ở những người hút thuốc.

Ngoài ra, hút thuốc được cho là làm giảm chức năng cân bằng của hệ miễn dịch, làm tăng nguy cơ rối loạn miễn dịch và tự miễn dịch. Báo cáo cho hay hút thuốc là nguyên nhân gây bệnh viêm khớp dạng thấp, và hút thuốc lá làm giảm hiệu quả điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp.

Tác động tới hệ sinh sản: Nhiều tác dụng bất lợi đối với hệ sinh sản ngày nay được cho là do hút thuốc lá gây ra. Trong trong những hệ lụy đó là chửa ngoài dạ con, trong đó bào thai làm tổ ở ống dẫn trứng hoặc chỗ nào đó ngoài tử cung.

Chửa ngoài dạ con là tình trạng bệnh lý rất hiếm có thể giữ được thai nhi và là nguy cơ rất lớn gây tử vong mẹ. Báo cáo này cho thấy việc người mẹ hút thuốc lá trong giai đoạn đầu mang thai là nguyên nhân gây sứt môi hở hàm ếch ở trẻ sơ sinh, và bằng chứng cho thấy hút thuốc lá có thể liên quan tới một số khuyết tật bẩm sinh khác. Báo cáo này cũng cho hay có đủ bằng chứng để kết luận là có mối quan hệ nhân quả giữa hút thuốc và rối loạn cương dương ở nam giới.

Bệnh về mắt: Võng mạc là một tổ chức mô tinh vi và nhạy cảm với ánh sáng nằm bên trong mắt. Trung tâm võng mạc (điểm vàng) là phần nhạy cảm nhất và là phần của mắt giúp nhìn rõ. Thoái hóa điểm vàng do lão hóa (AMD) dần dần phá hủy điểm vàng và có thể làm mất thị lực ở trung tâm mắt. Báo cáo này cho thấy hút thuốc lá là nguyên nhân gây AMD.

*Trích Báo cáo Sở Y tế Công cộng, Văn phòng Tổng Cục trưởng – Bộ Y Tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ

 

KẾ HOẠCH BỎ THUỐC

 

 

Cai thuốc và lấy lại sự cân bằng của cuộc sống, hãy tham khảo những cách sau đây để hỗ trợ bạn trong việc thực hiện kế hoạch một cách hiệu quả hơn. 

Xác định tư tưởng

Hãy tự đả thông tư tưởng cho mình và trả lời được câu hỏi tại sao mình lại phải bỏ thuốc lá?

– Không hút thuốc lá tức là giảm thiểu đáng kể rủi ro mắc các loại bệnh ung thư và sức khoẻ sẽ tăng lên đáng kể so với khi còn hút thuốc.

– Hãy vì mọi người. Tỉ lệ nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi với những người thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc cũng tương đương với những người sử dụng thuốc.

– Bớt đi một khoản chi. Một ngày hút một bao thuốc, nhân chúng lên số tiền một năm phải bỏ ra. Với số tiền này, có thể đầu tư vào một việc có ích nhằm sinh lợi cho mình.

– Đừng dừng hút thuốc vì một người khác hay vì một lý do nào khác. Hãy dừng ngay thuốc lá vì chính bản thân, đó là cách duy nhất giúp có thể từ bỏ nó vĩnh viễn.

Lên kế hoạch từ bỏ

– Xác định ngày bắt đầu.

– Cắt đứt ngay lập tức. Cắt đứt ngay lập tức sẽ là phương pháp tốt hơn cho bạn bởi nếu như chỉ giảm số thuốc hút mỗi ngày, cơ hội để bạn quay lại “thời kỳ ban đầu” rất dễ xảy ra.

Hãy bắt đầu với những khẩu hiệu “No smoking” dán ở xung quanh nhà, văn phòng và xe. Khẩu hiệu sẽ thay thế với lời nhắc nhở của mọi người.

Thay đổi thói quen

Trước kia, thường hút thuốc khi đi ăn sáng và uống cà phê, giờ thay vào đó hãy uống nước cam hay ngũ cốc. Nếu thường hút thuốc khi đi uống cà phê với đồng nghiệp, bạn bè thì giờ hãy tới môi trường không có thuốc lá, không có người hút thuốc lá. Hãy tập cho mình một thói quen mới, một thói quen khoẻ mạnh hơn.Hãy giữ khoảng cách với những điểm có thuốc lá.

Không cần phải tránh xa những người bạn cũng hút thuốc, nhưng cũng đừng đi với họ những địa điểm có thuốc lá như các quán bar, câu lạc bộ đêm, tụ điểm vui chơi….

Kiên trì

Bạn sẽ phải cố gắng và gặp rất nhiều khó khăn trong một thời gian dài. Bạn phải thật sự kiên trì và không được nản trí. Không phải chạy hết tốc lực như marathon nhưng đây thực sự là một cuộc chiến, mỗi ngày với bạn sẽ không dễ dàng gì.

Tập thể dục

Tập thể dục trong một thời gian dài sẽ giúp cho phổi được hoạt động đủ để làm quên đi những thôi thúc. Bạn sẽ có một tâm lý tốt hơn, điều này rất có lợi cho việc từ bỏ thuốc lá.

Ăn uống điều độ

Tập cho mình một thói quen ăn uống điều độ, giờ giấc chính xác. Lập một chế độ dinh dưỡng có lợi cho sức khoẻ. Làm được thế bạn sẽ tăng cân và khoẻ mạnh hơn nhiều khi bạn còn hút thuốc.

 

PHƯƠNG PHÁP BỎ THUỐC LÁ TRONG 5 NGÀY

 

Nghiện thuốc là một bệnh mãn tính, vì thế cần phải có thái độ nghiêm túc và có cách chữa trị đúng mới thành công. Để bỏ thuốc, quyết tâm là yếu tố quyết định. Gia đình, bạn bè và những người xung quanh cũng có vai trò quan trọng trong việc giúp bạn bỏ thuốc. Trong đó, có 4 giai đoạn của cai nghiện cần phải vượt qua, gồm: nghĩ về việc bỏ thuốc, chuẩn bị các yếu tố cần thiết để bỏ thuốc, bỏ hẳn thuốc và duy trì thời gian hoàn toàn không lệ thuộc vào thuốc lá. 

Trước hết, bạn cần chọn ngày hợp lý để bỏ thuốc. Theo đó, bạn nên chọn ngày mà bạn không có quá nhiều vấn đề phải giải quyết để có thể chỉ tập trung vào việc bỏ thuốc. Ngày có thể có nhiều việc bận rộn nhưng chỉ là việc thông thường, không căng thẳng. Tốt nhất là ngày thứ bảy, có thể dậy muộn hoặc sắp xếp công việc và nghỉ ngơi chủ động theo ý của mình. Theo đó, lộ trình cai thuốc của bạn sẽ là:

5 ngày trước ngày cai thuốc:

Bạn cần liệt kê các lý do đi đến quyết định cai thuốc. Nghĩ trong đầu hoặc viết ra giấy: Thuốc lá có hại cho sức khỏe và tốn tiền, Hút thuốc bất tiện, Ảnh hưởng người khác, Gương xấu cho con cái mắc các tệ nạn khác... Sau đó, tuyên bố với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp rằng bạn đang tiến hành bỏ thuốc. Cuối cùng là dừng mua thuốc lá.

4 ngày trước ngày cai thuốc:

Hãy suy nghĩ xem có cái gì khác thay thế điếu thuốc trong tay bạn như: tăm xỉa răng sau bữa ăn, hạt dưa, hạt bí, kẹo cao su, hai quả cầu lăn trên tay, bút chì... Hãy nghĩ đến những thói quen sinh hoạt và làm việc thường ngày khác thay thế cho hút thuốc.

3 ngày trước ngày cai thuốc:

Tìm xem ai mà bạn có thể hỏi và chia sẻ khi bạn cần sự giúp đỡ như: bác sĩ gia đình; bạn bè, nếu là người đã cai thuốc là tốt nhất; người yêu, vợ, con, đồng nghiệp…

Bạn sẽ làm gì với số tiền tiết kiệm được khi không phải mua thuốc lá: thưởng cho mình vật gì đó mang tính kỷ niệm, thưởng cho con, cháu vì thành tích học tập, làm các việc có ích khác…

2 ngày trước ngày cai thuốc:

Các triệu chứng của “đói” thuốc (xảy ra trong vòng 1-3 tuần đầu): chóng mặt và nhức đầu; tâm trạng ức chế, dễ nổi cáu, tức giận, bồn chồn; khó tập trung tư tưởng; thèm thuốc; rối loạn tiêu hóa; tăng cân sau cai nghiện.

Cách vượt qua cơn thèm thuốc: uống nhiều nước, hít thở sâu, không ngồi lại bàn ăn lâu, làm việc khác: đánh răng, đi bộ, nhai hạt dưa…; nói chuyện với người khác; trì hoãn, đếm đến 100 hoặc nhẩm bài thơ, bài hát mình thích.

1 ngày trước ngày cai thuốc:

Bạn nên bỏ hết diêm, bật lửa, gạt tàn ở nhà và nơi làm việc; giặt toàn bộ quần áo để không còn mùi thuốc lá; buổi tối hút điếu thuốc cuối cùng để chia tay với “kẻ thù” của mình!

Ngày cai thuốc:

Sáng: Nhắc lại với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp rằng hôm nay là ngày quan trọng của bạn - ngày bạn cai thuốc lá. Hãy tạo công việc bận rộn nhưng không căng thẳng. Không uống rượu, cà-phê hay những thứ bạn hay dùng với thuốc lá. Hãy tự làm cho đầu óc vui sướng hoặc cái gì đó đặc biệt làm phần thưởng cho thành công đầu tiên. Hãy có chế độ ăn đúng và tập luyện để tránh tăng cân quá mức. Nếu bạn không chịu nổi và hút lại thì cũng đừng bỏ cuộc. Hãy chuẩn bị làm lại từ đầu. Trước khi thành công có người đã phải làm đi làm lại một vài lần. Bạn vẫn còn phải đấu tranh tư tưởng, luôn luôn tự nhủ là mình đã quyết tâm bỏ thuốc. Hãy nói là không hút hôm nay, ngày mai và từng ngày sau nữa.

Những điều nguy hiểm rất cần lưu ý tránh: Hút một điếu sẽ chẳng sao! Nếu hút lại là thất bại dù chỉ một hơi. Các buổi tiệc thường có bia rượu, hãy cẩn thận đừng cho phép mình hút thuốc mà hãy cho phép mình được khỏe mạnh. Lúc căng thẳng: Mọi chuyện rồi cũng phải qua đi, và nếu lại hút thuốc bạn hãy tưởng tượng lại phải bắt đầu cai nghiện từ đầu khi mọi chuyện qua đi.

Từ tuần thứ 7 trở đi: Tuyệt vời! Bạn đã cai được thuốc. Nhưng cai thuốc là một chuyện, còn sống thoải mái không lệ thuộc vào thuốc lá lại là một việc khác. Hãy đừng để cho nghị lực của mình bị mềm yếu đến khi bạn không còn đếm ngày đã không hút thuốc và không còn nghĩ đến thuốc lá nữa.

 

 

Viết bình luận:

VIDEO TRƯỜNG MỚI

  • Đang trực tuyến1
  • Hôm qua38
  • Hôm nay33
  • Tổng số1.932