0243.6763239
0243.6763239
Năm 2014 có thể coi là năm thành công của công tác đào tạo nghề của TP Hồ Chí Minh với nhiều dấu ấn, như: Thành công của đoàn thí sinh thi tay nghề ASEAN 2014; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn thành phố về trước kế hoạch một năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 9… Tuy nhiên, để chất lượng lao động sát thực hơn với nhu cầu của xã hội, các cơ quan chức năng vẫn còn nhiều việc phải điều chỉnh.
Dấu ấn Hội thi tay nghề
Kỳ thi tay nghề quốc gia và khu vực ASEAN là những kỳ thi được tổ chức hằng năm trong nhiều năm qua và TP Hồ Chí Minh luôn là một trong những đoàn đạt được thành tích cao nhất mỗi lần tham dự.
Sinh viên Khoa Công nghệ thông tin Trường trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương trong giờ thực hành.
Trước mỗi kỳ thi, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP Hồ Chí Minh, đơn vị tổ chức các đoàn, luôn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Phó Trưởng phòng Dạy nghề thuộc Sở LĐ-TB-XH TP Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Nguyện cho biết, trong mỗi lần tham dự kỳ thi quốc gia và khu vực, Sở đã tổ chức trước kỳ thi tay nghề trẻ cấp thành phố. Năm 2014, từ tháng 3, kỳ thi đã được tổ chức nhằm lựa chọn những thí sinh giỏi nhất từ các trường của thành phố. Từ đó, Sở có kế hoạch huấn luyện, đào tạo để các em tự tin thi đấu với các đơn vị khác. Trong kỳ thi tay nghề quốc gia tổ chức tháng 5-2014, đoàn TP Hồ Chí Minh đã xuất sắc giành vị trí thứ hai chung cuộc trong tổng số 59 đoàn tham dự.
Trong Hội thi nghề ASEAN lần thứ 10 tại Hà Nội (tháng 10-2014), Bộ LĐ-TB-XH đã chọn TP Hồ Chí Minh là một trong những địa bàn trọng điểm để “tuyển quân” ứng thí với các đoàn thí sinh đến từ các quốc gia trong khu vực. Trong tổng số 51 thí sinh dự hội thi tay nghề ASEAN vừa qua, đoàn TP Hồ Chí Minh đóng góp 16 thí sinh đến từ sáu trường: Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng nghề thành phố, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex TP Hồ Chí Minh, Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương và Trung tâm dạy nghề Tư thục thẩm mỹ Mỹ Linh. Trong số 15 Huy chương vàng đoàn Việt Nam (nhất toàn đoàn) giành được, các thí sinh đến từ thành phố mang tên Bác đóng góp đến tám Huy chương vàng. Đó thật sự là một kết quả đáng ghi nhận, thể hiện được chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghề của các trường trên địa bàn thành phố.
Dù vậy, theo nhìn nhận của giảng viên khoa Công nghệ thời trang, Trường đại học Nguyễn Tất Thành Hoàng Quốc Long, người có thâm niên 12 năm trong đào tạo nghề, thí sinh của Việt Nam khi bước ra đấu trường lớn vẫn còn hạn chế về ngoại ngữ. Điều này ảnh hưởng đến việc giao tiếp, tiếp cận với những kiến thức mới về nghề. Ngoài ra, trong quá trình làm bài, khả năng phân bổ thời gian, tâm lý của các em còn yếu dễ dẫn đến việc xử lý sai tình huống, phương pháp làm bài.
Chú trọng chất lượng đào tạo
Theo Sở LĐ-TB-XH TP Hồ Chí Minh, tính đến cuối năm 2014, thành phố đã tuyển sinh đào tạo nghề được hơn 443 nghìn sinh viên, học sinh. Sở cũng đã hoàn thành việc đào tạo nghề cho 2.000 lao động thuộc hộ nghèo, hơn 1.000 người khuyết tật,…Như vậy, tính đến hết năm 2014, thành phố đã đạt gần 70% tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề, về đích sớm một năm so với chỉ tiêu, kế hoạch của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 9 đã đề ra.
Năm 2014, công tác đào tạo nghề đã có những chuyển biến rõ nét, thể hiện rõ nhất ở việc huy động các nguồn lực thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động địa phương, chất lượng và tỷ lệ lao động qua đào tạo. Công tác dạy nghề ngày càng được chú trọng khi thành phố đã tập trung đầu tư, nâng cấp trang thiết bị tại các cơ sở đào tạo. Đại diện phòng Dạy nghề thuộc Sở LĐ-TB-XH thành phố cho rằng: Chất lượng lao động ngày một được cải thiện chính là nhờ việc các cơ sở dạy nghề đã tăng cường hợp tác đào tạo hoặc các doanh nghiệp gửi lao động đến trường để nâng cao kiến thức nghề nghiệp.
Tuy nhiên, trong thực tế, công tác đào tạo nghề hiện nay vẫn còn không ít những hạn chế nhưng chậm được đổi mới và điều chỉnh.
Công tác quy hoạch phát triển nhân lực chưa sát với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” vẫn diễn ra ở hầu hết các doanh nghiệp, nhất là các đơn vị trong khối sản xuất. Tình trạng doanh nghiệp kêu ca sinh viên ra trường khi vào doanh nghiệp không làm được việc, thậm chí phải mất kinh phí để đào tạo lại vẫn phổ biến.
Tình trạng mất cân đối giữa các cơ sở dạy nghề hiện nay còn khá nghiêm trọng: Các cơ sở dạy nghề tập trung đông đúc ở khu vực trung tâm, còn các địa phương ngoại thành lại hết sức đìu hiu, đó là chưa kể tới việc trang thiết bị yếu và thiếu nên việc thu hút học sinh, sinh viên càng trở nên khó khăn hơn.
Để sinh viên ra trường làm được việc ngay, việc trau dồi kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp là rất quan trọng, nhưng nhiều trường hiện vẫn chưa chú trọng đến khâu này.
Tính đến cuối năm 2014, thành phố có 430 cơ sở dạy nghề, trong đó có 14 trường cao đẳng nghề, 29 trường trung cấp nghề, 62 trung tâm dạy nghề và 325 cơ sở dạy nghề.
Nguồn: Báo Nhân dân
Viết bình luận: