Hotline hỗ trợ

0243.6763239

Hội nghị công bố kết quả Kiểm định chất lượng dạy nghề năm 2014 - 2015

Sáng ngày, 18/7, tại Hà Nội, Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội) đã tổ chức Hội nghị công bố kết quả Kiểm định chất lượng dạy nghề năm 2014 - 2015.

Sáng ngày, 18/7, tại Hà Nội, Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội) đã tổ chức Hội nghị công bố kết quả Kiểm định chất lượng dạy nghề năm 2014 - 2015. Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có PGS.TS. Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề. Tham dự Hội nghị còn có Ông Phan Chính Thức, Hiệp hội dạy nghề và Nghề công tác xã hội; Ông Nghiêm Trọng Quý, Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề; lãnh đạo Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề và lãnh đạo các Vụ, đơn vị của Tổng cục dạy nghề cùng với lãnh đạo các cơ sở dạy nghề. 

PGS.TS Cao Văn Sâm phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS Cao Văn Sâm nêu bật ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác kiểm định chất lượng dạy nghề trong đổi mới và nâng cao chất lượng dạy nghề. Phó Tổng Cục trưởng ghi nhận những hiệu quả trong công  tác kiểm định chất lượng dạy nghề trong năm 2014 – 2015; đặc biệt là năm vừa qua đã triển khai thí điểm công tác đảm bảo chất lượng dạy nghề ở 9 cơ sở dạy nghề theo biên bản ghi nhớ với Hội đồng Anh. Phó Tổng Cục trưởng cũng dành thời gian trao đổi để làm rõ những đặc trưng lớn trong giai đoạn đầu triển khai Luật giáo dục nghề nghiệp. Phó Tổng Cục trưởng cũng yêu cầu các cơ sở dạy nghề có kiến nghị cụ thể cho Cục kiểm định, đóng góp ý kiến cho Cục ngay từ khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật triển khai Luật giáo dục nghề nghiệp. Phải làm tốt và có chiến lược truyền thông về kết quả kiểm định, bản thân các trường phải nhận thấy tầm quan trọng của công tác kiểm định chất lượng trong chiến lược phát triển của nhà trường.

 

Theo báo cáo của Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề, trong năm 2014 – 2015. Tổng cục dạy nghề đã tiến hành lựa chọn cơ sở dạy nghề tham gia kiểm định chất lượng dạy nghề trên cơ sở đề nghị của các trường, cụ thể: năm 2014 lựa chọn 35 trường và năm 2015 lựa chọn 21 trường tham gia kiểm định chất lượng dạy nghề. Năm 2014, Tổng cục Dạy nghề đã nghiên cứu và quyết định chỉ tiến hành kiểm định 29/35 trường, không tiến hành tổ chức thành lập Đoàn kiểm định cho 06 trường, cụ thể: 01 trường do nâng cấp từ trường trung cấp nghề lên cao đẳng nghề và 05 trường có công văn xin hoãn kiểm định chất lượng dạy nghề năm 2014 với các lý do: gặp khó khăn trong việc kiện toàn bộ máy tổ chức, công tác chuẩn bị các điều kiện để kiểm định chất lượng dạy nghề chưa hoàn thành. Như vậy năm 2014, có 29 trường kiểm định chất lượng cơ sở dạy nghề và năm 2015, chỉ kiểm định cho 4/21 trường. 

 

Tất cả các trường được lựa chọn kiểm định chất lượng dạy nghề đã thành lập Hội đồng kiểm định chất lượng của trường, xây dựng kế hoạch thực hiện tự kiểm định chất lượng dạy nghề theo đúng quy định của Thông tư 42/2011/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2011 quy định về quy trình thực hiện kiểm định chất lượng dạy nghề và theo đúng kế hoạch làm việc của Đoàn kiểm định mà Tổng cục Dạy nghề đã thông qua.

 

Quá trình khảo sát thực tế tại các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề được tiến hành trong 7 ngày và Tổng cục Dạy nghề giám sát quá trình khảo sát thực tế của tất cả các Đoàn kiểm định theo đúng quy định hiện hành, không can thiệp và làm ảnh hưởng tới quá trình làm việc của Đoàn kiểm định. 

 

Kết quả kiểm định chất lượng cơ sở dạy nghề năm 2014 tại 29 trường đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công nhận như sau: 19 trường đạt cấp độ 3 (trong đó có 07 trường TCN và 12 trường CĐN); 7 trường đạt cấp độ 2 (01 trường TCN và 6 trường CĐN); 3 trường đạt cấp độ 1 (2 trường TCN và 1 trường CĐN). Trong số 19 trường đạt cấp độ 3 có Trường TCN Quảng Bình đã được nâng cấp thành Trường Cao đẳng nghề Quảng Bình theo Quyết định số 226/QĐ-LĐTBXH ngày 10/2/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Vì vậy, không cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề đối với trường hợp này.

 

Như vậy năm 2014 - 2015, Tổng cục Dạy nghề đã cấp Giấy chứng nhận đạt  tiêu chuẩn chất lượng dạy nghề  cho 18 trường đạt cấp độ 3 (trong đó có 07 trường TCN và 12 trường CĐN); 7 trường đạt cấp độ 2 (01 trường TCN và 6 trường CĐN) và 3 trường đạt cấp độ 1 (2 trường TCN và 1 trường CĐN). 

 

 

Ông Trương Thanh Dũng, Hiệu trưởng Trường CĐN Hàng Hải, TP.HCM

 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trương Thanh Dũng, Hiệu trưởng Trường CĐN Hàng Hải, TP.HCM chia sẻ: Trường đã tham gia kiểm định từ năm 2013 và được công nhận đạt cấp độ 2 và đến năm nay thì trường được công nhận đạt kết quả kiểm định cấp độ 3. Bản thân nhà trường đã chủ động chuẩn bị cho quá trình kiểm định để đạt được cấp độ 3. Nhà trường đã triển khai áp dụng hệ thống tiêu chí đánh giá đạt cấp độ 3 trong toàn trường. Có thể nói nhà trường đã chủ động làm tốt công tác “kiểm định trong”. Quá trình làm kiểm định trong của nhà trường đã có tác dụng tốt công tác quản trị nhà trường tiến tới chuyên nghiệp; chất lượng đào tạo của nhà trường được nâng cao. Qua công tác kiểm định để làm tốt công tác đảm bảo chất lượng dạy nghề. Từ đó thương hiệu nhà trường được nâng lên. Cụ thể, trong năm học 2014 – 2015, nhà trường đã đào tạo và cung cấp nhân lực đạt cấp độ quốc tế cho các nước bạn phục vụ trên các tàu du lịch cao cấp. Công tác tuyển sinh của nhà trường cũng được tổ chức bài bản và hiệu quả hơn, tập trung tuyển sinh trình độ cao đẳng và trình độ sơ cấp.

 

Tổng kết Hội nghị, Phó Tổng Cục trưởng Cao Văn Sâm cám ơn các ý kiến tham luận và đóng góp của các đại biểu tại Hội nghị. Phải nói rằng công tác kiểm định chất lượng và đảm bảo chất lượng tại Việt Nam xuất phát điểm từ con số 0 và đến nay đã đi vào hoạt động một cách nề nếp. Thành công chính của chúng ta là đã chuyển hóa được nhận thức của các trường trong công tác tự kiểm định từ thế bị động sang chủ động. Sau Hội nghị này, tôi đề nghị Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề cần phải có kế hoạch tổng thể từ nay đến năm 2020, trong đó tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng giải quyết được cả 3 khâu trước, trong và sau kiểm định để đảm bảo công tác kiểm định chất lượng và bảo đảm chất lượng đáp ứng được yêu cầu. Chú trọng, tập trung cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kiểm định viên bởi họ là một trong những nhân tố quyết định đến việc nâng cao chất lượng kiểm định và đảm bảo chất lượng dạy nghề của Việt Nam. Sớm hình thành các trung tâm kiểm định Vùng. Cần phải tiếp tục hoàn thiện tiêu chí, quy trình tổ chức giám sát và hậu kiểm để giúp các cơ sở dạy nghề khẳng định được thương hiệu của mình sau kiểm định nhưng đồng thời cũng thực hiện chủ trương vừa khuyến khích nhưng cũng phải có chế tài cho việc thực hiện sau kiểm định. Đối với các cơ sở dạy nghề phải xem kiểm định và đảm bảo chất lượng là việc hàng ngày, làm sao lan tỏa đến từng cán bộ, công nhân viên của nhà trường trong từng hoạt động chuyên môn, giảng dạy, tuyển sinh… để giúp ích cho nhà trường trong việc khẳng định thương hiệu của mình.

 

Và một điểm vô cùng quan trọng là, Tổng cục dạy nghề cùng với các cơ sở dạy nghề tăng cường công tác quảng bá về hoạt động kiểm định chất lượng dạy nghề và đảm bảo chất lượng dạy nghề tới đông đảo quần chúng nhân dân để mọi người thấy được đây là hoạt động phân loại mang tầm quốc gia và các trường tham gia vào quá trình này có quyền được hưởng quyền lợi sau kiểm định để khuyến khích, động viên, tạo ra phong trào mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

 

Ông Trương Thúc Hiếu, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt

 

Thầy đánh giá như thế nào về quy trình kiểm định năm vừa qua của đoàn kiểm định tại trường của mình? 

 

Nhà trường tham gia kiểm định từ năm 2009 và từ đó trường đều tự đánh giá và đến năm 2014 tổ chức kiểm định lại lần 2 và có thể nói là quy trình kiểm định ngày càng hoàn thiện và phù hợp với sự phát triển chung của hệ thống cũng như là của các trường và đồng thời hàng năm Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề đều có những cải tiến để đánh giá các chỉ số đưa ra phù hợp và ngày càng tiến bộ, giúp các trường luôn luôn nỗ lực phấn đấu để ngày càng hoàn thiện và nâng cao chất lượng đào tạo.

 

 

Ông Trương Thúc Hiếu, Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng nghề Đà Lạt

 

Sau kiểm định thì thầy thấy “sức khỏe” của trường thế nào?

 

Trước năm 2009 sau kiểm định anh em rất vất vả, mọi sự chưa được chuẩn bị chu đáo. Nhưng từ năm 2009 đến nay hàng năm trường tự kiểm định và tìm ra điểm được và chưa được, chuẩn bị hồ sơ, sau khi đoàn kiểm định vào thì mọi việc rất nhẹ nhàng. 

 

Khi trường đạt cấp độ 3 thì có tác động như thế nào đến quá trình đổi mới và nâng cao chất lượng của nhà trường?

 

Khi đạt được cấp độ 3, đầu tiên là sự nỗ lực của toàn bộ cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường đã được Tổng cục Dạy nghề đánh giá và công nhận. Đó là động lực để nhà trường phấn đấu hơn nữa. Đối với học sinh rất tự hào khi mình được học tập trong một trường đạt kiểm định. Đối với xã hội, uy tín của nhà trường được nâng cao và mọi người nhìn nhận về trường và luôn luôn đánh giá đây là trường dạy nghề đạt chất lượng của địa phương.

 

 

 

 

(Nguồn: tcdn.gov.vn)

Viết bình luận:

VIDEO TRƯỜNG MỚI

  • Đang trực tuyến2
  • Hôm qua30
  • Hôm nay7
  • Tổng số3.485