0243.6763239
0243.6763239
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm (9/10/1969 – 9/10/2014) ngày Chính phủ ban hành quyết định thành lập Tổng cục Đào tạo công nhân kỹ thuật (nay là Tổng cục Dạy nghề), Ban biên tập Trang thông tin điện tử Tổng cục dạy nghề xin điểm lại những con số ấn tượng minh chứng cho sự lớn mạnh của công tác đào tạo nghề những năm qua.
1. Mạng lưới cơ sở dạy nghề
Tính đến tháng 5/2014, cả nước có 1.340 cơ sở dạy nghề, trong đó có 165 trường cao đẳng nghề, 301 trường trung cấp nghề, 874 trung tâm dạy nghề. Ngoài ra còn có hơn 700 cơ sở khác tham gia dạy nghề.
2. Về tuyển sinh học nghề
Giai đoạn 2009-2013 đã tuyển mới dạy nghề được 8.451.213 người, bao gồm: Cao đẳng nghề, trung cấp nghề là 1.215.501 người (chiếm 14,4%), sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 03 tháng 7.235.712 người (chiếm 85,6%), trong đó đào tạo nghề cho khoảng 1,615 triệu người là lao động nông thôn.
3. Về chương trình, giáo trình
Đã ban hành 401 nghề ở trình độ cao đẳng nghề và 457 nghề ở trình độ trung cấp nghề làm cơ sở cho các cơ sở dạy nghề triển khai các hoạt động đào tạo.
Đã xây dựng và ban hành được 205 chương trình khung trình độ trung cấp nghề, trình độ cao đẳng nghề theo danh mục nghề đào tạo đã ban hành (trong đó có 31 nghề đã được chỉnh lý, bổ sung chương trình khung trình độ trung cấp nghề, trình độ cao đẳng nghề); ban hành được 14 chương trình dạy nghề, giáo trình dạy nghề cho 14 nghề trọng điểm cấp độ quốc gia trong tổng số 140 nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN, quốc tế (trong đó có 100 nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, 34 nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN và 26 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế).
Đã thí điểm xây dựng và ban hành một số chương trình, giáo trình dạy nghề cho một số nghề trọng điểm cấp độ quốc gia. Thí điểm nhập và chuyển giao bộ chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề, tiêu chuẩn kỹ năng nghề, ngân hàng đề thi, phương pháp đánh giá và công nghệ đào tạo cho một số nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế.
4. Về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề
Đến hết năm 2012, đội ngũ cán bộ quản lý trong các trường nghề là 3.956 người; số có trình độ trên đại học trong các trường nghề chiếm 17.36%; trình độ đại học chiếm 62,41% và cao đẳng chiếm khoảng 7.81%. Có gần 35% cán bộ quản lý các trường nghề đã qua đào tạo, bồi dưỡng về quản lý dạy nghề.
5. Về danh mục thiết bị dạy nghề
Đã ban hành được 75 bộ danh mục thiết bị dạy nghề trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề và 39 bộ danh mục thiết bị dạy nghề trình độ sơ cấp nghề.
6. Về kiểm định chất lượng dạy nghề
- Đã có 143 cơ sở dạy nghề đã kiểm định và được công nhận chất lượng, trong đó 75 trường Cao đẳng nghề, 41 trường Trung cấp nghề, 27 Trung tâm dạy nghề; 10 trường cao đẳng nghề tham gia thử nghiệm kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ cao đẳng nghề (Cắt gọt kim loại; Công nghệ ô tô; Điện công nghiệp; Điện tử công nghiệp; Hàn).
- Toàn quốc có 737 kiểm định viên, trong đó: 72 kiểm định viên chất lượng chương trình đào tạo phục vụ thử nghiệm năm 2012; 665 kiểm định viên chất lượng cơ sở dạy nghề và 2.321 cán bộ tự kiểm định.
7. Về đánh giá kỹ năng nghề
Đã tổ chức đánh giá cho hơn 1600 người lao động, công nhận và cấp chứng chỉ cho hơn 700 người, đào tạo 900 đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia, cấp giấy chứng nhận cho 22 Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia.
8. Kết quả các kỳ thi tay nghề quốc gia, tham gia thi tay nghề ASEAN và thế giới
Tích cực chủ động tham gia các hoạt động thi tay nghề ASEAN và thế giới. Trong các Hội thi tay nghề ASEAN và thế giới, Việt Nam đã tham gia công tác tổ chức, các Ủy ban Kỹ thuật, cử chuyên gia tham gia xây dựng đề thi, ban giám khảo. Kết quả Thi tay nghề ASEAN: Năm 2010, Việt Nam đã xếp thứ 3 toàn đoàn với 7 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 4 huy chương đồng và 11 chứng chỉ kỹ năng xuất sắc; năm 2012, Việt Nam xếp thứ 2 toàn đoàn với 5 huy chương vàng, 4 huy chương bạc, 5 huy chương đồng và 11 chứng chỉ nghề xuất sắc. Kết quả Thi tay nghề thế giới: Năm 2011 đã giành 07 chứng chỉ tay nghề xuất sắc; năm 2013 đã giành 7 chứng chỉ nghề xuất sắc.
Viết bình luận: